Thời tiết nồm ẩm thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 tại các tỉnh miền Bắc. Điều kiện thời tiết nồm ẩm sẽ mang đến nhiều nguy cơ về sức khỏe con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của các đối tượng nhạy cảm như trẻ em.
Miền Bắc hiện nay đang bắt đầu vào mùa nồm ẩm. Đặc điểm của trời nồm ẩm là độ ẩm không khí tăng lên mức rất cao từ 90% trở lên, đặc trưng với hiện tượng nước ngưng tụ lại thành giọt bám sương trên tường nhà, nền nhà, đồ đạc trong nhà.
Thời tiết thay đổi cùng với độ ẩm không khí cao lại chính là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh như vi rút, vi khuẩn, nấm mốc "hoành hành". Vì vậy, trẻ nhỏ trong mùa nồm ẩm sẽ có nguy cơ cao đối mặt với nhiều bệnh, nhất là bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa và da liễu.
1. BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP
Thời tiết gây nồm ẩm kéo dài có thể dẫn đến sự bùng phát các bệnh về đường hô hấp ở trẻ như: viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, gia tăng cơn hen, bệnh sởi, sốt phát ban,...
Phòng ngừa bệnh đường hô hấp cho bé vào mùa nồm ẩm:
- Giữ ấm toàn thân cho trẻ bằng quần áo, khăn, mũ, tất, khẩu trang, lau mồ hôi thường xuyên cho bé
- Vệ sinh cơ thể bằng nước ấm, vệ sinh mắt, mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý
- Vệ sinh môi trường sống thường xuyên, áp dụng các mẹo giảm nồm ẩm trong nhà
- Ăn uống đủ chất, đủ lượng, bổ sung thêm vitamin để tăng đề kháng
- Không cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh hô hấp, hạn chế cho trẻ đến nơi đông người
2. BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Độ ẩm rất cao cũng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút, nấm gây bệnh về đường tiêu hóa phát triển mạnh. Thức ăn cũng dễ bị ôi thiu, nấm mốc. Vì vậy, trẻ sẽ có nguy cơ cao gặp các tình trạng tiêu chảy, đau bụng, nôn trớ,...
Phòng ngừa bệnh đường tiêu hóa cho bé vào mùa nồm ẩm:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ tình trạng của thực phẩm trước khi nấu nướng
- Đảm bảo cho bé ăn chín, uống sôi, loại bỏ tất cả đồ ăn có mùi/ bề ngoài lạ, nghi ngờ bị hỏng
- Rửa sạch bình sữa, bát, cốc, thìa,...của con và bảo quản tránh ẩm mốc
- Giữ ấm bụng cho bé bằng cách đắp chăn, mặc quần áo ấm, mát xa với tinh dầu tràm,...
3. BỆNH VỀ DA
Trời nồm ẩm cũng khiến trẻ dễ gặp các vấn đề trên da hơn như viêm da, thủy đậu, hăm tã, dị ứng da, ngứa, mẩn đỏ da,...
Phòng ngừa bệnh về da cho bé vào mùa nồm ẩm:
- Vệ sinh thân thể thường xuyên, lau khô người sau tắm
- Quần áo trẻ cần được sấy khô hoàn toàn trước khi mặc cho con
- Vệ sinh không gian sống của bé, áp dụng các biện pháp giảm nồm ẩm trong phòng
- Thường xuyên giặt giũ, sấy khô, thay ga gối cho bé